Không để tín dụng đen hoành hành
Thời gian gần đây, vấn nạn tín dụng đen đã len lỏi về nhiều vùng quê vốn yên bình ở Quảng Nam.
Len lỏi về các vùng quê
Thời gian vừa qua, trên địa bàn Quảng Nam vấn nạn tín dụng đen có xu hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp dưới nhiều hình thức. Theo thông tin từ công an Quảng Nam, trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019 đơn vị đã phát hiện 33 vụ liên quan đến hoạt động tín dụng đen, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, tín dụng đen không chỉ hoành hành ở vùng đô thị, mà đã len lỏi về các vùng quê...
Đấu tranh, ngăn chặn tín dụng đen, công an TP. Tam Kỳ đã triệt xóa nhóm đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi dưới hình thức kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại cơ sở Huy Phát (trụ sở tại số 7 đường Trần Nguyên Hãn, TP. Tam Kỳ). Qua nắm bắt quy luật hoạt động các đối tượng, lực lượng chức năng xác định có 4 đối tượng từ Hải Phòng và Hà Tĩnh, do Nguyễn Anh Tiến, trú TP. Hải Phòng cầm đầu đăng ký kinh doanh. Nhưng lại móc nối với các đối tượng hình sự, ma túy tại địa phương, tổ chức cho vay nặng lãi. Khi đã đủ cơ sở, công an tổ chức kiểm tra hành chính phòng trọ của Nguyễn Văn Mạnh, là nhân viên của Tiến, phát hiện có 46 bộ hồ sơ thể hiện việc cho vay. Tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh Huy Phát, lực lượng công an còn phát hiện, thu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ thể hiện việc vay tiền. Qua đấu tranh với các đối tượng cùng với chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng xác định, các đối tượng đã cho 135 người vay với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng, lãi suất lên đến 182,5%/năm, qua đó số tiền lãi thu về hơn 1,3 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tuyên truyền về chính sách tiền tệ ở Quảng Nam |
Như đã nói ở trên, thời gian gần đây, vấn nạn tín dụng đen đã len lỏi về nhiều vùng quê vốn yên bình ở Quảng Nam. Đơn cử như tại huyện Núi Thành, công an huyện cũng đã phát hiện đối tượng Võ Quốc Khánh, trú Hương Khê (Hà Tĩnh) cùng nhiều đối tượng khác đang thuê nhà để cho vay và thu tiền lãi, gốc hàng ngày, tổng số tiền cho vay tại thời điểm kiểm tra là 1,261 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 250%/năm.
Tương tự, tại huyện Đại Lộc, công an địa phương cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Ngọc Vũ, trú Thừa Thiên - Huế, do có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Trước đó, công an bất ngờ kiểm tra nơi Vũ ở thị trấn Ái Nghĩa, phát hiện tại đây đang diễn ra hoạt động cho vay nặng lãi. Khám xét căn nhà, công an thu nhiều tài liệu, sổ sách ghi tên người vay, máy tính và điện thoại được Vũ dùng cho hoạt động cho vay nặng lãi. Theo lời khai của đối tượng này, thông qua việc viết tờ rơi dán ở các điểm rao vặt, đi phát quảng cáo cho vay, ai có nhu cầu sẽ tìm gặp và làm hồ sơ. Đến thời điểm bị bắt, Vũ đã cho 61 người chủ yếu ở Quảng Nam vay với số tiền khoảng 700 triệu đồng...
Một vùng quê khác ở Quảng Nam cũng đã xuất hiện tín dụng đen, đó là tại Điện Bàn. Cụ thể, công an địa phương cũng xác định được đối tượng cầm đầu là Lê Duy Long, trú tại Điện Bàn, hoạt động rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng hung khí gây thương tích cho người khác trong quá trình lấy nợ và đòi nợ thuê, cho vay thu lãi 20%/tháng (240%/năm).
Tăng cường công tác phối hợp
Có thể nói, tại Quảng Nam các hành vi cho vay nặng lãi đã để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, hoạt động siết nợ, đòi nợ là nỗi ám ảnh đến các con nợ khi chưa thể trả nợ đúng hạn. Do lãi suất quá lớn đã khiến nhiều người không có khả năng chi trả và bị các đối tượng cho vay nặng lãi gây áp lực, khống chế làm mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, nhiều vụ việc uy hiếp đến tính mạng người dân...
Như nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động tín dụng đen ở Quảng Nam thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: cơ sở cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao...
Đặc biệt, khi tổ chức đòi nợ các đối tượng rất hung hãn, chèn ép, khống chế, uy hiếp buộc phải trả nợ đúng hạn, thậm chí đe dọa nhiều hình thức. Những người cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích xâm hại đến thân thể, tính mạng người vay tiền; Làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ…
Về phía người đi vay, do nhu cầu về vốn cấp thiết, tâm lý muốn có ngay nên chấp nhận mọi yêu cầu do bên cho vay đưa ra. Lãi suất cho vay cao ngất ngưởng, đồng thời ràng buộc các loại lãi, phí khác như nhập lãi vào gốc, phí chậm trả… mà người đi vay do tâm lý muốn nhận nợ nhanh nên không quan tâm khi ký cam kết vay tiền. Theo ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc triệt phá nhanh các đối tượng tín dụng đen cho vay nặng lãi trên địa bàn của lực lượng chức năng đã khẳng định tinh thần tấn công tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở Quảng Nam. Đây là những chiến công để bảo vệ người dân tránh tình trạng lâm vào cảnh tan cửa nát nhà vì lãi suất cắt cổ của loại tội phạm này.
Về phía ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc NHNN Quảng Nam cho biết, thời gian qua NHNN chi nhánh tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng ở địa phương, đấu tranh không để vấn nạn tín dụng đen hoành hành. Chi nhánh đã kịp thời triển khai đến các TCTD trên địa bàn các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN... liên quan đến việc ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, cùng với các giải pháp để hạn chế tình hình cho vay nóng, tín dụng đen nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen. Điểm nhấn đột phá là nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay chiều giải ngân tại Agribank. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tăng mức cho vay hộ nghèo từ 50 lên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, là nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ các NHTMCP khác như cho vay mua/nhận chuyển nhượng bất động sản; Cho vay xây dựng mới và sửa chữa nhà; Cho vay mua xe ô tô mới, xe cũ đã qua sử dụng; Cho vay thấu chi; Cho vay cầm cố các sản phẩm huy động vốn; Cho vay phát hành thẻ tín dụng…