Cho vay tiêu dùng, ranh giới tư duy “quản” và “siết” (Bài 1): Bùng nổ cho vay tiêu dùng, rủi ro chệch đường ray
Các CTTC đồng tình với cách nhìn nhận về thị trường tài chính tiêu dùng phải được phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả
(ĐTCK) Sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam chỉ mới bắt đầu nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập tăng cao, cũng như sự chuyển dịch sang lĩnh vực tài chính hộ gia đình. Tuy vậy, theo NHNN, điều đó không đồng nghĩa với việc các công ty tài chính ồ ạt cho vay tiêu dùng mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng.
Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay ngân hàng vì điều kiện cho vay chặt chẽ. Trong khi đó, "tín dụng đen" lại quá dễ tiếp cận, trở thành “cạm bẫy” tài chính khiến nhiều gia đình khốn đốn. Đẩy lùi "tín dụng đen" bằng phát triển tín dụng tiêu dùng là yêu cầu cấp bách và thực tế, đòi hỏi cần có một khung khổ pháp lý chặt chẽ để thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN (Thông tư 43) quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC).
Bài 1: Bùng nổ cho vay tiêu dùng, rủi ro chệch đường ray
Sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam chỉ mới bắt đầu nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập tăng cao, cũng như sự chuyển dịch sang lĩnh vực tài chính hộ gia đình. Tuy vậy, theo NHNN, điều đó không đồng nghĩa với việc các CTTC ồ ạt cho vay tiêu dùng mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng.
Những điểm sửa đổi, bổ sung chính...
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của CTTC đã bãi bỏ một số khoản như Khoản 4, Ðiều 6, nhưng đưa vào trách nhiệm của CTTC tại Ðiều 10a để rõ ràng, dễ tham chiếu trong quá trình thực hiện. Hay như Khoản 4, Ðiều 7 được bãi bỏ và đưa vào trách nhiệm của CTTC tại Ðiều 10a và tương tự, Khoản 3, Ðiều 9 cũng được đưa vào Ðiều 10a để tường minh, dễ tham chiếu khi thực hiện.
Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung một điều về trách nhiệm của CTTC (Ðiều 10a) nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của CTTC trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC trong tất cả các giai đoạn tín dụng. Ðồng thời, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể chế độ báo cáo của CTTC (về điểm giới thiệu dịch vụ, quy định nội bộ, khung lãi suất, dư nợ cho vay tiêu dùng) cho cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính; chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của CTTC, đảm bảo cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của CTTC.
Dự thảo cũng đưa ra quy định về công tác thu hồi nợ. Cụ thể, sửa đổi Ðiểm đ, Khoản 2, Ðiều 7 - Thông tư 43 về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ, không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTCT.
Theo NHNN, thực trạng cho vay tiêu dùng của các CTTC đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là phần lớn sẽ giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Cũng từ thực tế chứng minh việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đang phát sinh nhiều rủi ro, không kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay. Do đó, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, Dự thảo Thông tư mới đang sửa đổi theo hướng quy định các hình thức giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của CTTC, tuân thủ quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo Thông tư quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của CTTC phải phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, bổ sung Ðiều 4a vào Ðiều 4 - Thông tư 43, CTTC giải ngân cho vay tiêu dùng thông qua bên thụ hưởng: CTTC giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho khách hàng vay để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng; giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay: CTTC giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay, hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Ðồng thời, việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của CTTC được yêu cầu tuân thủ quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Ðặc biệt, Dự thảo Thông tư đã “chốt” tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 4a thông tư này không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC.
... Và lý giải của cơ quan quản lý
Giải thích từ NHNN cho biết, Dự thảo Thông tư quy định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của CTTC tuân thủ quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Ðồng thời, Dự thảo quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của CTTC phù hợp với đặc thù hoạt động của CTTC…
“Quy định này nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay”, một lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra - Giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết.
Ðặc biệt, căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Ðể đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại CTTC và có lịch sử trả nợ tốt.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng cá nhân vay tại các CTTC là điều cần phải làm để thị trường phát triển an toàn. Bởi tài chính tiêu dùng là lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao, nhưng rủi ro nợ xấu lớn, vì đa số khách hàng là cá nhân, khả năng trả nợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên cần cẩn trọng hơn để tránh khủng hoảng.
Dự thảo Thông tư bổ sung nội dung “không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC” vào Ðiểm đ, Khoản 2, Ðiều 7 - Thông tư 43 vì thời gian qua, xảy ra tình trạng một số CTTC nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, quy định tại Dự thảo nhằm hạn chế tình trạng này.
Ông Ðào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, khi tín dụng chính thức được đẩy mạnh sẽ đẩy lùi vấn nạn tín dụng phi chính thức, hay còn được gọi là "tín dụng đen". Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các ngân hàng và CTTC ồ ạt cho vay mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng. Trên bình diện chung, ngành ngân hàng vẫn đang kiểm soát được nợ xấu, nhất là chất lượng tín dụng tiêu dùng.
Nhận định chung về Dự thảo Thông tư sửa đổi, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho biết, VietCredit ủng hộ các hành động của NHNN trong việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ, hành lang pháp lý, các cơ chế quản lý nhằm đưa thị trường tài chính tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần từng bước đẩy lùi "tín dụng đen" theo chủ trương của Chính phủ.
“VietCredit đánh giá cao và tán thành chủ trương sửa đổi Thông tư 43 trong thời điểm hiện nay. Ðây là giai đoạn cần thiết để điều chỉnh và chuẩn hóa hoạt động cho vay tiêu dùng, đưa hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển ổn định và bền vững, hội nhập với khu vực và trên thế giới. Do đó, rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các nước lân cận, coi CTTC là định chế độc lập, khách quan, bổ sung hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của hệ thống tài chính tiền tệ, đưa dịch vụ tín dụng đến với mọi người dân”, ông Tâm nói.
Ðại diện Home Credit chia sẻ, đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, Home Credit đồng tình với cách nhìn nhận về thị trường tài chính tiêu dùng phải được phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả.
"Home Credit mong muốn cam kết và nỗ lực cho mục đích đóng góp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam theo định hướng lành mạnh và bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc đấu tranh và đẩy lùi nạn 'tín dụng đen' trong nhân dân”, lãnh đạo Home Credit nhấn mạnh.
Ông Ðinh Quang Huy, Tổng giám đốc SHB Finance nhận định: “Nhìn chung, Dự thảo Thông tư sửa đổi về cho vay tiêu dùng của CTTC đang quy định rõ hơn các nghĩa vụ của CTTC nhằm quản lý chặt hơn hoạt động của các công ty này. Tuy vậy, quản lý chặt hơn là một khái niệm dễ bị hiểu sang câu chuyện 'siết lại hoạt động', thay vì là nâng cao hiệu lực quản lý, giúp thị trường phát triển lành mạnh”.