Cuộc bứt tốc của ngân hàng quốc doanh
Vietcombank đều đang muốn ráo riết bán cổ phần để tăng vốn. Ảnh: Quý Hòa
Khối ngân hàng quốc doanh có thêm nhiều chuyển biến mới sau khi nhiều ngân hàng tư nhân lần lượt thiết lập vị trí trong bảng tổng sắp. Bối cảnh thị trường tiếp tục thay đổi mạnh mẽ khi lãi suất có xu hướng tăng, còn tín dụng cũng đã tăng trưởng chậm lại.
Năm ngoái là thời điểm các ngân hàng tư nhân ồn ào với những thương vụ bán vốn, lên sàn như VPBank, Techcombank, HDBank. Nhưng từ giữa năm đến nay lại là cơ hội để các ngân hàng quốc doanh thể hiện bản lĩnh. Thậm chí, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt còn nhận định: “Các ngân hàng quốc doanh đã vượt trội so với các ngân hàng tư nhân trong năm 2018 và sẽ rất thú vị nếu xu hướng này tiếp tục trong năm 2019”.
Khối ngân hàng quốc doanh đang có nhiều bước tiến mới. Cụ thể như BIDV mới đây dự kiến sẽ phát hành riêng cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hơn 600 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ sau phát hành. Thật ra, thông tin về cổ đông chiến lược tương lai này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2018, trước đó, 2 bên đã ký thỏa thuận sơ bộ vào cuối tháng 8/2018.
Có cổ đông chiến lược nước ngoài là điều BIDV đã mong muốn từ lâu, đặc biệt là khi nhìn vào Vietcombank và VietinBank. BIDV vẫn có tỷ lệ sở hữu nhà nước trên 95%. Dự kiến con số này sẽ giảm xuống còn 81% sau khi KEB Hana Bank rót tiền, nâng vốn điều lệ lên mức dự kiến 40.220 tỷ đồng.
Không chỉ BIDV mà cả Vietcombank đều đang muốn ráo riết bán cổ phần để tăng vốn. Còn nhớ, thương vụ Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) muốn mua Vietcombank nhưng lại bất thành vì 2 bên không đạt thỏa thuận về giá. Dù vậy, sau một thời gian im ắng, thương vụ này được nhắc lại. Mới đây, hồi tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Vietcombank phát hành riêng cho cổ đông ngoại. Đáng chú ý, cổ đông hiện hữu là Mizuho cũng sẽ rót thêm tiền để giữ nguyên mức tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank.Một thay đổi khác đáng chú ý ở các ngân hàng quốc doanh là chuyển động nhân sự. Ở BIDV, ông Phan Đức Tú nay cũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chiếc ghế đã khuyết trong 2 năm qua kể từ khi ông Trần Bắc Hà rời đi. Trong 2 năm qua, tân Chủ tịch này đảm đương cương vị Tổng Giám đốc và đồng thời là người đại diện pháp luật, giữ chức thành viên Hội đồng Quản trị từ năm 2012 và tham gia BIDV từ đầu thập niên 1990.
Không chỉ có BIDV, ở VietinBank cũng có sự thay đổi nhân sự tương tự. Theo đó, ông Lê Đức Thọ, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, nay sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2014-2019. Nếu như sự thay đổi lãnh đạo ở khối ngân hàng tư nhân được thực hiện ráo riết trong thời gian qua, thì chuyển động nhân sự của khối ngân hàng quốc doanh trong giai đoạn này cũng gây nhiều sự chú ý.
Các chuyển động của những ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường này (quy mô hơn 1 triệu tỉ đồng) đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường nói chung, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Dòng vốn mới đổ về là điều mà các ngân hàng có quy mô lớn mong đợi đã lâu, vốn phải chịu áp lực nhiều năm nay, đặc biệt là các tiêu chí quản lý đã gần đến thời hạn cuối cùng, bao gồm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỉ lệ cho vay trung và dài hạn. Lần lượt từ Vietcombank, BIDV đến VietinBank từ đầu năm đến nay huy động mạnh mẽ vốn cấp 2 bằng cách mua trái phiếu chính phủ.
Ở thời điểm cuối năm, có thể thấy các ngân hàng quốc doanh mải miết với kế hoạch thay đổi lớn trong tương lai dưới áp lực tăng vốn, trong khi đó, những ông chủ ngân hàng tư nhân lại miệt mài... trợ giá cổ phiếu. Tất cả đều là những ngân hàng tiêu biểu trên thị trường như Techcombank, VPBank hay HDBank và mới đây là ACB. Dù vậy, trái ngược với giá cổ phiếu đi xuống trong bối cảnh kinh tế thị trường không thuận lợi, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn báo cáo một cách tích cực.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, tốc độ tăng trưởng vẫn giữ mức đều đặn. Vietcombank vẫn giữ nguyên ngôi vị đầu trong bảng tổng sắp về quy mô lợi nhuận. Tổng thu nhập của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm đạt 11.683 tỉ đồng, tăng đến 47,2% so với cùng kỳ. Theo đại diện Ngân hàng, lãi một phần vì thoái vốn ở một số tổ chức tín dụng. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận trong kỳ này tăng mạnh vì chi phí giảm tương đối. Hiện nay, tỉ trọng đóng góp của hoạt động tín dụng chỉ còn 71%, thấp hơn nhiều so với các con số trước đó.
Nếu như xếp hạng của khối ngân hàng quốc doanh không có nhiều thay đổi thì ở khối ngân hàng tư nhân, “ngựa ô” VPBank trong 9 tháng đầu năm nay có vẻ hụt hơi so với các đối thủ khi rơi xuống vị trí thứ 3, sau Techcombank và MBBank, trong khi lợi nhuận của ACB lẫn HDBank cùng tăng vọt. Lợi nhuận sau thuế 3 quý đầu năm của VPBank chỉ đạt 4.900 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong khi Techcombank tăng gần 60%, báo lãi 6.209 tỉ đồng.
Sự thay đổi nằm ở chỗ các ngân hàng có khoản thu nhập bất thường. Điển hình như MBBank ghi nhận khoản lãi 882 tỉ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) chủ yếu từ các khoản nợ đã xử lý. Hay Techcombank thu nhập đáng kể từ khoản mua bán chứng khoán, chứng khoán đầu tư và góp vốn mua cổ phần với tổng lợi nhuận lên đến hơn 1.700 tỉ đồng. Thương vụ lớn nhất có lẽ là việc thu hơn 900 tỉ đồng từ thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Techcom Finance. Một yếu tố đáng chú ý khác, theo SSI, đó là nhờ chuyển sang đối tượng khách hàng cá nhân nhiều hơn, trong khi chi phí huy động giảm nên quy mô lợi nhuận tăng, đặc biệt là trường hợp MBBank.