Vẫn khống chế lãi suất cho vay 10,5%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ấn định lãi suất cơ bản tháng 10 ở mức 7% một năm, đồng thời giữ nguyên một loạt lãi suất khác.
Đây là tháng thứ 9 liên tiếp lãi suất cơ bản được giữ nguyên, qua đó ổn định trần lãi suất cho vay ở mức 10,5%. Một số trường hợp cho vay tiêu dùng, ngân hàng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng.
Các loại lãi suất khác như tái cấp vốn, chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử ngân hàng cũng được giữ mức cũ, lần lượt là 7%, 5% và 7% một năm.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn nhích lên hằng tuần. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng cổ phần hiện phổ biến trên 9% mỗi năm, khối ngân hàng nhà nước chỉ thấp hơn một chút.
Trong khi đó, lãi suất cho vay của toàn thị trường dao động từ 10 đến 10,5% một năm. Nhiều ngân hàng đều rất dè dặt cho vay trung dài hạn, phần vì phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, phần vì cạn vốn ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Để dự phòng khả năng lãi suất sẽ tăng cao trong dài hạn, vài trường hợp đã thỏa thuận với khách hàng trả thêm vài phần trăm ngoài lãi suất trong hợp đồng, đồng thời ràng buộc điều kiện thay đổi lãi suất định kỳ vài tháng một lần.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình kinh tế phục hồi, chính sách tiền tệ cần ổn định, lãi suất cơ bản không nên tăng, thậm chí nên giảm nếu có cơ hội. Bởi theo tính toán, cuối năm nay dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Chỉ cần lãi suất biến động 1%, chi phí trả lãi của doanh nghiệp cũng vì thế mà tăng hoặc giảm khoảng 17.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương cả gói kích cầu qua lãi suất hiện nay của Chính phủ.