TP Hồ Chí Minh: Chính quyền chung sức với ngân hàng


Những nỗ lực phối hợp của TP. Hồ Chí Minh với ngành Ngân hàng trên địa bàn nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bắt đầu từ việc UBND thành phố sớm ra Chỉ thị 08 để triển khai Nghị quyết. Trong khi thực hiện Chỉ thị 01 của Thống đốc, ngân hàng thành phố tiến hành kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay phi sản xuất, lập lại trật tự thị trường ngoại hối... còn thành phố tiến hành rà soát cắt giảm đầu tư công, lên kế hoạch giảm chi ngân sách, quyết liệt kiểm tra siết chặt thị trường ngoại hối và đổi mới chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, việc cần phải gọi tên, bắt bệnh những dự án dở dang gây tốn sức lực và tiền bạc của thành phố trong thời gian qua, không thể nói chung chung được. Có như vậy mới có thể duy trì kế hoạch mục tiêu tăng trưởng GDP 12%/năm 2011, nhưng vẫn phải bảo đảm kiềm chế lạm phát. Những công trình cần tập trung chỉ đạo đầu tư như Hiệp Phước, đường vành đai 2, cảng Cát Lái, cầu Gò Dưa, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, 2 tuyến metro.
 
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng tuyên bố, lập các đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát tiến độ thi công, giải ngân các dự án đầu tư vốn ngân sách, kiên quyết dừng các công trình đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, chưa thực sự cần thiết. UBND thành phố chỉ đạo tập trung vào các công trình trọng điểm có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong năm 2011 này để gia tăng hiệu quả xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo chiều sâu.
 
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng tuyên bố quyết tâm tiết kiệm thêm 10% chi phí thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2011. Đó là không sử dụng ngân sách cho việc trang bị mới từ thiết bị văn phòng, máy điều hòa nhiệt độ đến mua sắm xe ôtô... Đồng thời các cơ quan ban ngành phải thực hiện tiết kiệm điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, rà soát cắt giảm kinh phí đối với những hoạt động chưa thực sự cấp bách. Giảm chi tiêu cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...

Đồng hành với những động thái tích cực của UBND thành phố, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng triệt để thực hiện chủ trương "siết chặt" thị trường ngoại hối. Đây là một trọng tâm của việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP. NHNN thành phố cung cấp cho lực lượng công an và quản lý thị trường thành phố danh sách những đại lý được cấp phép thu đổi ngoại tệ để các cơ quan chức năng này có cơ sở thực hiện kiểm tra việc thu đổi trái phép. Riêng 75 đại lý được cấp phép, NHNN thực hiện thanh tra xử lý việc chấp hành mua vào theo tỷ giá niêm yết, xử phạt việc bán ra trái quy định.
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 500 triệu đồng. Ngoài những đại lý được cấp phép thu đổi, trên địa bàn thành phố có gần 4.000 tiệm buôn bán vàng hầu hết đều có hoạt động mua bán ngoại tệ. Việc công an và quản lý thị trường thành phố ra quân kiểm tra đã khiến các tiệm vàng không dám công khai mua bán ngoại tệ nữa. Tuy hoạt động ngầm vẫn diễn ra, nhưng mức độ đã giảm rất đáng kể. Nhờ siết chặt thị trường ngoại hối mà tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm nhiệt, hiện đang giao động quanh mức trên dưới 21.500 VND/USD.
 
Những ngày gần đây nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động USD. Điều quan trọng nhất, đã thấy tỷ giá đang ổn định dần theo xu hướng gần với tỷ giá chính thức. Việc thành phố quyết liệt kiểm tra xử phạt mua bán ngoại tệ trái phép và duy trì hoạt động này sẽ có ý nghĩa quyết định lập lại trật tự thị trường ngoại hối, tạo cơ sở để chống nạn đôla hóa.

Ngoài ra, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, thành phố sẽ tiếp tục chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi chương trình bình ổn giá năm 2010 sẽ kết thúc vào cuối tháng 3, Sở đã có kế hoạch cho chương trình bình ổn giá trong năm 2011. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tham gia thì chương trình mới nên và sẽ hướng tập trung vào đối tượng là tầng lớp thu nhập thấp đến trung bình. Từ đó chọn những mặt hàng thiết yếu, nhưng là loại có mức giá phù hợp với người có thu nhập trung bình trở xuống. Thí dụ như gạo ăn chỉ nên là loại có giá trung bình. Tầng lớp giàu có nhu cầu cao sẽ không mua hàng bình ổn.
 
Điểm quan trọng nữa là sẽ đưa ra tỷ lệ giảm giá các mặt hàng bình ổn so với giá thị trường, không ấn định giá suốt thời gian bình ổn, để doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh giá bình ổn cho phù hợp tình hình thị trường luôn biến động. Thêm nữa, chương trình bình ổn chỉ thực hiện khi thị trường bất ổn, giá cả tăng đột biến, không nên thực hiện kéo dài cả năm. Vì thế, để thực hiện bình ổn hiệu quả, phải xây dựng được biên độ giao động giá đến mức nào mới phải bình ổn. Thực hiện bình ổn giá là cần thiết, nhưng giá bình ổn cũng nên được điều chỉnh theo thị trường và phải tránh làm nảy sinh chế độ 2 giá...

Ngọc Lan – theo Website Ngân hàng Nhà nước