Tín dụng đón mùa khai trường
Các ngân hàng đang hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để triển khai nhiều sản phẩm tín dụng tín chấp hỗ trợ học sinh, sinh viên trong năm học 2022 - 2023.
“Mưa” học bổng và ưu đãi nhập học
Từ cuối tháng 7/2022 đến nay, để tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tuyển sinh và nhập học cho tân sinh viên, các NHTM đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính học đường.
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, chỉ trong vòng hai tháng vừa qua đã có khoảng 15 ngân hàng tham gia vào lĩnh vực cho vay ưu đãi sinh viên nhập học, đồng thời hỗ trợ các hình thức thanh toán học phí trực tuyến và cấp các khoản học bổng giá trị cho sinh viên.
Agribank tư vấn gói vay dành cho sinh viên tại TP.HCM. |
Các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV và Vietcombank đều tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ cho tân sinh viên. Theo đó, Agribank tung ra gói giải thưởng 800 triệu đồng dành cho tân sinh viên nếu đăng ký mới dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, thẻ liên kết sinh viên.
BIDV thì hợp tác với Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất, hỗ trợ tiền đóng học phí lên đến 50 tỷ đồng, lãi suất dao động 5,5-6%/năm.
Trong khi đó, Vietcombank và Agribank đều áp dụng gói vay tín chấp hỗ trợ sinh viên nhập học. Vietcombank cho vay tối đa 500 triệu đồng với thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 0,5%/tháng, Agribank cho vay 1,25 triệu đồng/tháng, lãi suất 0,65%/tháng.
Không chỉ các NHTM Nhà nước mà các ngân hàng TMCP và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoạt động hỗ trợ tín dụng học đường cũng sôi động không kém. Theo đó ACB, MB, HDBank, VPBank, TPBank, SHB, MSB, DongABank, Sacombank, Eximbank, ShinhanBank… đều đã tham gia hỗ trợ phí thanh toán nhập học và nộp học phí trực tuyến cho các trường học; đồng thời ngân hàng tung ra nhiều gói vay không cần tài sản đảm bảo dành cho tân sinh viên với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 1-2%/năm.
Các nhà băng còn hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để tài trợ các gói học bổng và triển khai các dịch vụ liên kết thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn cử, ShinhanBank và ACB đã hợp tác với Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) triển khai gói học bổng 8 tỷ đồng và khởi động chương trình ứng tiền học phí không lãi suất 3-12 tháng cho tân sinh viên.
HDBank thì triển khai gói tiện ích tài khoản thẻ tín dụng BFF, hỗ trợ sinh viên vay vốn 10 triệu đồng, miễn lãi 45 ngày và hoàn tiền 600 nghìn đồng/năm khi mua sắm trả góp dụng cụ học tập.
VIB và MSB hướng đến sinh viên các khối trường liên kết với nước ngoài khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên các trường Đại học Nam Columbia và MIT University Vietnam.
Trong khi đó, Eximbank triển khai chương trình “Du học, năm châu, giảm sâu phí chuyển” hỗ trợ giảm 50% phí chuyển tiền cho du học sinh.