Diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế tuần từ 18-22/6/2012 (26/6/2012)

Tuần qua, Đô la Mỹ tiếp diễn xu hướng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế do triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dường như chưa sẵn sàng mạnh tay nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường.
Trong tuần, FED đã quyết định kéo dài chương trình bán các giấy tờ có giá ngắn hạn và mua các giấy tờ dài hạn nhằm hạn chế chi phí vay (Operation Twist) đến cuối năm và tăng giá trị của chương trình này thêm 267 tỷ USD. Quyết định này khiến các nhà đầu tư thất vọng vì họ đang kỳ vọng vào những động thái quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ FED. Sau khi thất vọng trước động thái tương đối dè dặt của FED trong việc hỗ trợ kích thích nền kinh tế, các nhà đầu tư trên thị trường thêm nản lòng với những thông tin kém khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Diễn biến này khiến cho đồng đô la Mỹ đánh dấu mức tăng giá mạnh nhất so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế trong vòng hơn ba tháng.
 
Các thông tin về diễn biến kinh tế Mỹ trong tuần cũng không mấy sáng sủa. Số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cho thấy thị trường lao động vẫn chưa phục hồi, trong khi ngành sản xuất của Mỹ cũng như sản lượng toàn cầu có biểu hiện suy giảm. Ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 6 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đó chỉ giảm nhẹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp mới tuần trước đó giản 2.000 người xuống mức 387.000 người sau khi đã điều chỉnh yếu tố thời vụ. Tuy nhiên, nếu tính theo phương pháp trung bình trượt 4 tuần, phương pháp tính được cho là phản ảnh chính xác hơn xu hướng của thị trường lao động, thì chỉ tiêu chạm mức cao kỷ lục kể từ đầu tháng 12/2011. Vừa qua, FED cũng tuyên bố hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay xuống mức 1,9-2,4% so với mức dự báo 2,4-2,9% đưa ra hồi tháng tư, đồng thời hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho hai năm 2013, 2014.
 
Kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, khiến cho đồng Nhân dân tệ Trung Quốc trượt giá so với đô la Mỹ. Ngành sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trong tháng sáu và đây là tháng thứ tám sụt giảm liên tiếp của ngành sản xuất nước này với giá và số đơn đặt hàng xuất khẩu đều ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
 
Trong khi đó, kinh tế Anh lại có những tín hiệu lạc quan. Số đơn đặt hàng sản xuất của Anh trong tháng 6 bất ngờ cải thiện và khả quan hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, Cơ quan Thống kê Quốc gia cũng vừa công bố doanh số bán lẻ tháng 5 tăng 1,4%, cao hơn mức 1,2% được dự báo trước đó và đưa mức tăng hàng năm lên mức 2,4%. Đồng Bảng Anh đã có những phiên tăng giá, tuy nhiên sau đó giảm giá trở lại so với đô la Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ năm do một số nhà đầu tư cân bằng lại trạng thái với kỳ vọng ngày càng mạnh mẽ vào việc NHTW Anh sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
 
Tính chung trong tuần, đồng đô la Mỹ đã tăng khoảng 3,07% so với đồng Euro, 4,21% so với Yên Nhật, 1,12% so với Nhân dân tệ Trung Quốc nhưng lại giảm giá -0,47% so với Bảng Anh. Tại thời điểm cuối tuần, 1EUR = 1,256USD; 1GBP = 1,5608USD và 1USD = 80,18 JPY.
 
Tại thị trường trong nước, trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD, không đổi so với thời điểm cuối tuần trước. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.880-20.940 đồng/USD, giảm khoảng 50 đồng/USD so với cuối tuần trước.
 
Trong xu hướng tăng giá của đô la Mỹ và động thái dè dặt của FED đối với nới lỏng tiền tệ, vàng giảm giá trở lại trên thị trường quốc tế. Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng quốc tế ở quanh mức 1.564,16/1.564,93 USD/oz. Giá vàng SJC trong nước cuối tuần ở mức 4.150/4.172 nghìn đồng/chỉ trên thị trường Hà Nội và 4.150/4.170 nghìn đồng/chỉ trên thị trường TP Hồ Chí Minh, giảm khoảng 56 nghìn đồng/chỉ so với cuối tuần trước.
 
Thanh Hà - theo website NHNN