Cuộc chiến tín dụng đen: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã làm gì?
Ngành Ngân hàng đang vào cuộc mạnh mẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. Về việc phối kết hợp với ngành ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là những nguồn vốn lành mạnh để từ đó không có cơ hội cho tín dụng đen hoạt động.
Tiếp tục trấn áp tội phạm tín dụng đen
Tại phiên họp trả lời chất vấn của một số đại biểu về thực trạng của tội phạm “tín dụng đen” (ngày 4/6/2019), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hoạt động tín dụng đen xuất phát từ quan hệ kinh tế thông thường giữa người cho vay và người đi vay nhưng chính bọn tội phạm đã lợi dụng được quan hệ này để tiến hành hoạt động tội phạm.
Theo đánh giá của Bộ Công an, người đi vay tín dụng đen, có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Vì hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường thì khó có thể trả lãi cao lên tới 300%, nên những người đi vay đó cũng có mục tiêu sử dụng tiền để vi phạm pháp luật như cờ bạc, buôn bán gian lận thương mại, họ cần khoản tiền rất nhanh để giải quyết phi vụ.
Với người cho vay lập ra các tổ chức tín dụng đen cũng là tổ chức tội phạm. Đằng sau những ông chủ cho vay nặng lãi đó bản thân thường là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng chăm sóc số lượng đối tượng hình sự để thực hiện hoạt động tín dụng đen. Nếu người vay không trả được nợ thì người cho vay sử dụng các đối tượng xăm trổ, đối tượng hình sự để đòi nợ thuê. Thậm chí cướp lại tài sản của người vay.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, hoạt động tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm và những phức tạp khác từ tín dụng đen. Hay nói cách khác, bản chất tín dụng đen là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế nhưng lại vượt qua giới hạn đó thì nó trở thành vấn đề hình sự.
Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã có hướng dẫn để giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen. Đặc biệt là giải quyết những ranh giới giữa dân sự và hình sự; và một số quy định của luật pháp liên quan đến xử lý đối tượng tín dụng đen và chính các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở về luật pháp để gây khó khăn trong việc xử lý loại tội phạm này.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen và không được chủ quan với loại tội phạm này.
Chống tín dụng đen cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành địa phương
Nỗ lực của ngành Ngân hàng
Từ góc độ cơ quan quản lý, NHNN cũng đang kỳ vọng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.
NHNN cho biết: Dù rất cần vay vốn, song nhiều người dân vẫn e ngại vì nghĩ rằng việc tiếp cận ngân hàng còn khó khăn bởi thủ tục rườm rà, mất thời gian. Do vậy, họ tìm đến tín dụng đen như một phao cứu sinh cấp bách. Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng và các ngân hàng chủ động đề xuất, triển khai đồng loạt các giải pháp cho vay linh hoạt nhằm hạn chế tín dụng đen.Thực tế là nhiều ngân hàng lại đang triển khai nhiều hình thức mới để có thể tiếp cận và tìm tới khách hàng như việc triển khai xe ngân hàng lưu động, thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại từng thôn, ấp…
Điển hình là Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… việc cho vay thông qua tổ vay vốn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… đang liên kết với ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ khoảng 1%.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội với việc có 1 buổi giao dịch định kỳ bằng xe lưu động tại xã, người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ ngân hàng ngay gần nhà, thay vì phải mất nửa ngày mới đến được phòng giao dịch như trước đây.