Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thống đốc NHNN trả lời báo giới về công tác điều hành chính sách tiền tệ

Ngay sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, chiều 2/12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đồng chủ trì cuộc họp báo. Phần lớn thời gian buổi họp, Thống đốc chia sẻ việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua.
Thống đốc phân tích, chính sách ngoại hối, tỷ giá phụ thuộc rất nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, cơ cấu kinh tế, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, hiệu quả đầu tư, các luồng vốn (FDI, kiều hối), cán cân thanh toán. Năm 2009, thâm hụt cán cân thanh toán 8,8 tỷ đô la. Năm nay, ngay từ đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình hình cán cân thanh toán đã cải thiện hơn, nhập siêu theo kế hoạch đặt ra đầu năm 2010 là 13,5 tỷ đô la, đến tháng 11 xuất khẩu đạt 6,45 tỷ đô la, 11 tháng đầu năm 2010 đạt xấp xỉ 64,3 tỷ đô la (tăng 24,5% so với cùng kỳ và gấp hơn 4 lần so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua), nhập siêu của 11 tháng khoảng 10,7 tỷ đô la, con số nhập siêu cả năm chỉ xung quanh 12 tỷ đô la. Vốn FDI đăng ký có thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vốn giải ngân đạt gần 10 tỷ USD 11 tháng, tăng 9,9%, ODA tăng, FII năm nay tăng 712 triệu USD, kiều hối đạt 7,3 tỷ đô la tăng 1,9 tỷ đô la so với năm trước, lượng khách du lịch tăng đột biến trong năm nay. Với những kết quả nêu trên cho thấy, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam đã cải thiện. Thống đốc cũng đưa ra thông tin về trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại cũng được cải thiện, từ mức âm 355 triệu USD ngày 21/11 xuống chỉ còn âm 94 triệu USD trong ngày 2/12/2010.

Đề cập đến 2 tháng gần đây có sự chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thị trường tự do là 2.000đ, Thống đốc cho rằng tình trạng này có nguyên nhân từ cả bên trong lẫn bên ngoài.Việt Nam là một nước vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình, chịu ảnh hưởng mạnh khi các nền kinh tế lớn trên thế giới tiến hành điều chỉnh chính sách, thêm nữa Việt Nam là nước  nhập siêu, giá đôla Mỹ luôn gắn chặt với giá vàng và hiện tượng đầu cơ đã gây áp lực lên tỷ giá. Chính vì vậy, NHNN đã báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ để đưa ra các giải pháp đồng bộ (không riêng NHNN, mà còn nhiều bộ ngành) nhằm ổn định tỷ giá, đảm bảo tăng trưởng, kiểm soát làm phát.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN thực hiện các giải pháp giảm cầu đầu tư, giảm tăng tưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ lãi suất, nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%/năm, đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và đời sống, việc làm... nhưng đây là phương án phù hợp, hơn nữa các biện pháp chống lạm phát thường chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, từ 3-6 tháng, nên sẽ không để lại hậu quả lâu dài. Còn nếu nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng, do quy mô của các ngân hàng hiện nay chưa đồng đều.

Về điều hành tỷ giá, NHNN chỉ can thiệp ngoại tệ đáp ứng cho những nhu cầu thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương cấp khoảng 400 triệu USD cho các doanh nghiệp thanh toán số tiền nhập khẩu xăng dầu để dự trữ lưu thông… đảm bảo ổn định giá cả trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Về lãi suất, Thống đốc NHNN trao đổi, trong mấy năm vừa qua, trải qua năm lạm phát cao, khủng hoảng tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng với Hiệp hội Ngân hàng hướng các ngân hàng thương mại thực hiện cơ chế lãi suất theo xu hướng giảm, đã đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền và lợi ích của các thành viên và đã được xã hội đồng tình.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan quán triệt biện pháp thứ 7 tại Chỉ thị số 2164/CT-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chủ quản của cơ quan truyền thông, báo chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để xã hội và nhân dân tiếp cận được nhanh, chính xác hoạt động điều hành của Chính phủ và các thông tin về tài chính, tiền tệ, thị trường, giá cả; có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ; phản ánh sát thực về cung cầu, giá cả để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp sức cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, tránh tâm lý bất an trong nhân dân”.

Thanh Hường - Website NHNN